Tin giáo dục và đào tạo
Ngăn học sinh bỏ học sau Tết: Cần sự chung tay từ nhiều phía
Tình trạng học sinh bỏ học luôn là một nỗi lo và áp lực của ngành giáo dục. Tết và hè là hai thời điểm nhạy cảm khi có nhiều em rời ghế nhà trường. Ngay từ trước Tết Nguyên đán Bính Thân, một số trường đã báo động tình trạng bỏ học của học sinh để giáo viên chủ nhiệm làm công tác tư tưởng với lớp, đặc biệt là dành sự quan tâm nhiều hơn cho những em thường xuyên vắng học, có nguy cơ bỏ học cao. Tuy nhiên, một thực tế thường gặp là tình trạng này vẫn diễn ra đều đặn sau Tết, có trường thì vài em, có trường lên đến hơn chục em không đến lớp.
Nguyên nhân của vấn nạn này thì nhiều, tôi thiết nghĩ có ba nhóm nguyên nhân chính. Xuất phát điểm đầu tiên là từ chính bản thân học sinh. Đa số các em học yếu vốn lười học và luôn xem việc học là một gánh nặng lớn. Sức học yếu cùng với những ngày Tết chơi bời, lêu lỏng thoải mái đã làm phát sinh trong suy nghĩ non nớt của các em tư tưởng bỏ học. Rồi sự ảo tưởng về đồng tiền khiến ý định bỏ học của các em càng chắc chắn hơn. Bởi Tết đến, anh chị, bạn bè đi làm ăn xa có dịp về quê mang theo sự xa xỉ của những người đi xa với áo quần bóng bẩy, tóc tai lòe loẹt và có tiền rủng rỉnh tiêu Tết. Nhìn vào đó, rất nhiều em muốn được nghỉ học, muốn được đi xa học nghề, làm việc kiếm tiền. Các em còn quá bé để nhận thức được rằng, bát cơm của bố mẹ thì rất dễ ăn, còn đồng tiền của thiên hạ muốn lấy được phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" mới có được.
Nguyên nhân thứ hai từ phía gia đình học sinh. Vẫn có trường hợp bố mẹ bắt con phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nhưng rất ít. Trình độ dân trí của người dân đã khác xưa rất nhiều. Nhiều phụ huynh ý thức được tầm quan trọng của việc học, nếu con có sức học khá, vẫn cố gắng cho con đến trường. Cho nên ý định cho con cái nghỉ học phần lớn nảy sinh ở những gia đình có con em học yếu, cá biệt. Lâu nay đã chán chường trước việc học hành bê bết của con, nay con nói ý định nghỉ học học nghề hay có người ngỏ ý cho con đi xa kiếm tiền thì đắn đo tí rồi gật đầu đồng ý ngay. Mà đa phần các em đang ở tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới". Với lứa tuổi đó, sức vóc đó, suy nghĩ non nớt đó, rất nhiều em sớm bước vào đời và sớm sa ngã bởi rượu bia và các tệ nạn.
Về phía nhà trường, nếu làm qua loa công tác huy động học sinh đến lớp thì cũng góp phần tăng tỉ lệ bỏ học. Rất nhiều trường coi trọng công tác duy trì số lượng học sinh, ban giám hiệu nhà trường thường xuyên họp chủ nhiệm nắm số lượng học sinh, theo dõi các em có nguy cơ bỏ học để kịp thời động viên, nhắc nhở. Khi có một học sinh bỏ học trong lớp, đầu tiên là giáo viên chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc đến nhà, tìm hiểu nguyên nhân và động viên gia đình cũng như bản thân em học sinh đó đến lớp. Khi giáo viên chủ nhiệm “bất lực”, nhà trường liền báo cáo tình hình với chi hội khuyến học địa phương và phối hợp với ban đại diện hội phụ huynh lớp, trường đến nhà học sinh vận động. Sự tham gia và quan tâm của các đoàn thể xã hội đã góp phần không nhỏ trong việc hạn chế nguy cơ học sinh bỏ học sau Tết. Nhưng không phải tất cả các trường đều làm được như vậy. Không thể phủ nhận một số trường hiện nay thực hiện công tác duy trì số lượng còn qua loa, đối phó dẫn đến tỉ lệ học sinh bỏ học cao.
Từ các nguyên nhân cơ bản trên đây, bản thân tôi thiết nghĩ để ngăn ngừa tình trạng học sinh bỏ học sau tết cần có sự chung tay từ nhiều phía, từ nhà trường, gia đình và cả xã hội. Thầy cô dạy học bằng cái “Tâm” và đặt chữ “Tâm” vào trong cả việc huy động học sinh đến lớp. Khi một học sinh bỏ học, đừng nghĩ đơn giản chỉ là lớp giảm sĩ số một em mà quan trọng hơn là chúng ta đang góp phần đẩy một đứa trẻ non nớt sớm bước vào đời.
“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, trường học là môi trường thân thiện không chỉ là học, học và học kiến thức mà còn là nơi tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp để hình thành nhân cách và rèn luyện kĩ năng cho học sinh. Các đoàn thể xã hội cần góp tiếng nói, chung tay cùng giảm tỉ lệ học sinh bỏ học. Mỗi phụ huynh học sinh cần ý thức được tầm quan trọng của việc học đối với tương lai con trẻ. Đừng vì sức học của con không tốt hay muốn con kiếm tiền phụ giúp gia đình mà dễ dàng gật đầu cho con nghỉ học. Hoàn thành chương trình phổ thông, có rất nhiều con đường để các em đi tiếp. Không nhất thiết phải là các trường đại học mới có tương lai, các trường cao đẳng, trung cấp, trường nghề cũng sẽ giúp các em vững vàng tương lai hơn. Và quan trọng nhất vẫn là bồi dưỡng một ý thức, thái độ học tập đúng đắn cho mỗi học sinh, trang bị cho các em một nền tảng vững chắc để vững bước vào đời hơn.
Theo Dân trí
Số lượt xem : 195
Chưa có bình luận nào cho bài viết này