Hiền dữ đâu phải do tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên ''

Ngày 16 tháng 01 năm 2025

 » Tin tức » Tin giáo dục và đào tạo

Tin giáo dục và đào tạo

Cập nhật lúc : 11:07 28/09/2015  

Bí quyết thành công trong bồi dưỡng học sinh giỏi THCS

GD&TĐ - Trong các cuộc họp hội đồng, họp chuyên môn, khi nghe Ban giám hiệu trưng cầu ý kiến: “Ai có thể đảm nhận công tác ôn luyện học sinh giỏi?”... Đáp lại thường là sự im lặng…


 

Thầy Nguyễn Duy Tú – giáo viên Trường PTDTNT Than Uyên (Lai Châu) – nói đến câu chuyện này để thấy được một trong nhiều khó khăn của công tác rèn học sinh giỏi hiện nay.

“Tâm lí chung là không ai muốn đương đầu với một công việc khó khăn mà danh hiệu, kết quả và thù lao là cái không thể nhìn thấy hoặc tính trước được” – thầy Nguyễn Duy Tú cho biết.

Tâm huyết và lòng nhiệt tình

Chính vì vậy, khi nói đến yếu tố thành công của công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy Nguyễn Duy Tú cho rằng: Yếu tố đầu tiên phải là tâm huyết và lòng nhiệt tình của giáo viên. Các thầy cô hãy mạnh dạn đứng lên đảm nhận công tác này. Chỉ cần thực sự dồn tâm sức, chúng ta sẽ ít nhiều thu nhận được thành quả.

Cùng với đó, việc lựa chọn học sinh vô cùng quan trọng. Học sinh giỏi phải là người có tố chất, năng khiếu, sự sáng tạo và vốn kiến thức cơ bản vững chắc ... Điều này thể hiện rõ nhất qua kết quả và hoạt động học tập của các em trên lớp. Giáo viên căn cứ vào đó để lựa chọn những học sinh thực sự có năng lực và tố chất tham gia vào đội tuyển ôn luyện học sinh giỏi.

Nội dung thứ 3 thầy Nguyễn Duy Tú lưu ý là lên kế hoạch chủ động bồi dưỡng, ôn luyện học sinh giỏi. Việc này cần tiến hành ngay từ đầu năm học.

“Đã gọi là hoạt động, là công tác “mũi nhọn” thì phải “xuyên suốt”. Một số trường chỉ thực hiện công tác này trước thời điểm thi học sinh giỏi vài tháng, thường là vào đầu học kì II của năm học. Nếu thực hiện như vậy thì quỹ thời gian ôn luyện dành cho các em là rất ngắn.

Nếu thày và trò chủ động lên kế hoạch, mục tiêu rồi tiến hành ôn luyện học sinh giỏi ngay từ đầu năm học thì chắc chắn sẽ thu được kết quả tốt hơn” – thầy Nguyễn Duy Tú cho biết.

Linh hoạt sáng tạo và chu đáo

Mỗi đối tượng học sinh đều có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau, mỗi dạng đề cũng có những cách tiếp cận khác nhau. Bởi vậy, theo thầy Nguyễn Duy Tú, thầy cô phải biết được đặc điểm riêng của từng đối tượng học sinh, từng kiểu bài để từ đó đề ra phương pháp giảng dạy cho hợp lí. Yêu cầu này không mới và không khó. Nếu giáo viên thực sự tâm huyết với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, tin chắc sẽ làm được.

Sự chu đáo cũng bắt nguồn từ tâm huyết. Nên quan tâm rèn nắn cho học sinh đến từng câu văn, nét chữ... đưa các em đi thi, nhắc nhở các em chuẩn bị giấy vở, bút mực trước khi vào phòng thi...

Những cử chỉ, hành động, sự quan tâm tưởng chừng như nhỏ nhoi ấy, đời thường ấy thực ra lại có sức lan toả rất lớn, là động lực giúp các em lập nên kì tích.

Sức mạnh của công tác tư tưởng 

Thầy Nguyễn Duy Tú cho rằng, bên cạnh việc trọng tâm là bồi dưỡng kiến thức và rèn kỹ năng làm bài cho học sinh, việc làm công tác tư tưởng rất cần thiết.

“Nhắc đến từ “tư tưởng” ta thường nghĩ đến điều gì đó to lớn, trừu tượng và phức tạp. Song vấn đề ở đây rất đơn giản, đó là: Động viên học sinh, giúp các em yêu thích môn học, có mục tiêu, lí tưởng phấn đấu, có động lực quyết tâm ôn và thi học sinh giỏi đạt giải. Đây là việc dễ làm, nên làm nhưng vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, theo đánh giá, rất ít giáo viên ôn luyện học sinh giỏi quan tâm đến vấn đề này, phần đa chỉ chú trọng đến mảng ôn luyện kiến thức. Điều này cần nhưng chưa đủ bởi sẽ thật khó khơi dậy ở các em lòng đam mê và nhiệt tình theo đuổi môn học nếu không biết mình đi thi học sinh giỏi sẽ có gì, được gì trong khi thời gian và các môn học chính khoá với các em đã là cả một gánh nặng...

Chính vì vậy công tác giáo dục về tư tưởng là cần thiết và phải được tiến hành thường xuyên, song hành với việc ôn luyện về kiến thức” – thầy Tú nhấn mạnh.

Để thực hiện tốt công tác này, thầy Nguyễn Duy Tú cho chia sẻ: Trước tiên, hãy cho các em biết tham gia đội tuyển học sinh giỏi và đạt giải sẽ có gì, được gì.

Ví dụ: Về kiến thức, đó là phần kiến thức chuyên sâu liên quan đến sở trường, năng lực của các em, hỗ trợ cho các em rất hiệu quả, đắc lực khi vào học THPT và thi tuyển vào các trường chuyên nghiệp sau này.

Về danh hiệu: Thật vinh dự khi các em thi đạt giải sẽ được cả trường, huyện, tỉnh biết đến. Đây quả là phần thưởng vô giá và tuyệt vời.

Về quyền lợi: Các em sẽ được một khoản tiền thưởng nhất định, được ưu tiên khi xét tuyển vào trường Dân tộc Nội trú của tỉnh hay trường THPT, được tuyên dương ghi nhớ danh hiệu trong hồ sơ học bạ...

Ví dụ đơn cử trên chỉ là công tác tư tưởng ban đầu định hướng cho học sinh động cơ học tập, phấn đấu và đạt giải. Ngoài ra, việc động viên khích lệ về tư tưởng phải được tiến hành thường xuyên trong từng tiết học giờ học bằng lời nói, hành động việc làm.

Cụ thể: Một lời khen ngợi, động viên, một phần quà nhỏ như chiếc bút bi, quyển vở, hay gói kẹo “liên hoan”... sẽ giúp các em phấn khởi và tích cực học tập rất nhiều...

Sau mỗi buổi học, giáo viên cần dành thời gian để rút kinh nghiệm giờ học, tháo gỡ mọi thắc mắc và chỉ rõ ưu, nhược điểm trong bài viết, hướng suy nghĩ của các em, có sự so sánh, khen ngợi, góp ý cụ thể từng học sinh trong nhóm, giúp các em tiến bộ từng ngày.

“Có thể nói, làm tốt công tác giáo dục về tư tưởng cho học sinh có nghĩa là chúng ta đã thành công một nửa trong công tác ôn luyện học sinh giỏi” – thầy Tú nhấn mạnh.

 

Hải Bình (ghi)

Số lượt xem : 214

Chưa có bình luận nào cho bài viết này

Các tin khác