Năm học 2013-2014, toàn tỉnh có trên 206 nghìn học sinh phổ thông; trong đó bậc tiểu học có 92,5 nghìn học sinh, giảm gần 1.500 em so với năm học trước và đang có khuynh hướng giảm hơn trong năm học này. Tỷ lệ trường đạt chuẩn chung của tỉnh là 34,2%; trong đó, mầm non 19,5%, THCS 23,8%, THPT 17,5%, riêng bậc tiểu học tỷ lệ này là 57,5%, có 10 trường đạt chuẩn giai đoạn II.
Kinh nghiệm từ các trường đạt chuẩn
Theo kế hoạch, lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn bậc tiểu học là, kết thúc năm 2015 hoàn chỉnh quy hoạch diện tích với các chuẩn về khuôn viên, các khối công trình hợp lý (phòng học, phòng chức năng) và hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng trường. Phấn đấu đến năm 2015 có thêm 90 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 42 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
|
Những năm gần đây, bậc tiểu học được quan tâm tạo điều kiện để xây dựng đạt chuẩn, đặc biệt là về quy hoạch đất, một điều kiện “cực khó” trong lộ trình đạt chuẩn của giáo dục. Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, khó khăn về diện tích đất trên đầu học sinh đã và đang được tháo gỡ có hệ thống và khá triệt để. Công tác chỉ đạo về chuyên môn của bậc học đi vào nề nếp, các trường chủ động hoàn thành các tiêu chí nội lực nên khi đủ diện tích đất, cơ sở vật chất (CSVC) được đầu tư là nhanh chóng trở thành đơn vị đạt chuẩn.
Trong số những trường có nhiều nỗ lực để đạt chuẩn giai đoạn 2 phải kể đến là Trần Quốc Toản (Huế) và Số 1 Lộc Trì (Phú Lộc). Hơn chục năm trước, về tổng thể cả hai đơn vị này đều là những địa chỉ giáo dục “thường thường bậc trung” của bậc học. Ngoài khó khăn về diện tích đất, cuộc “chạy đua” đạt chuẩn của Trần Quốc Toản với những đơn vị như Lê Lợi, Vĩnh Ninh… khá công bằng về tiềm năng. Nhưng với quyết tâm của nhà trường và sự hỗ trợ của địa phương, cả trường Trần Quốc Toản và Số 1 Lộc Trì đã được mở rộng diện tích, đầu tư CSVC, trang thiết bị... Song hành cùng quá trình ấy là sự nỗ lực phấn đấu hết mình của tập thể giáo viên, nhất là ban giám hiệu mỗi trường. Cô Cẩm Hương, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Phú Lộc cho rằng: “Cái được nhất của Trường TH số 1 Lộc Trì là có ban giám hiệu nhiệt huyết, yêu trường, làm việc của trường như làm việc của chính nhà mình”. Người cô Cẩm Hương muốn nhắc đến là thầy Lê Văn Sáu, nguyên Hiệu trưởng của trường, người đã dành nhiều tâm huyết và quyết tâm xây dựng ngôi trường nhỏ “vô danh” thành một địa chỉ giáo dục điểm không chỉ của tỉnh mà trở thành địa chỉ học hỏi của nhiều tỉnh thành lân cận.
Tiếp tục đầu tư đồng bộ, hiện đại
Ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD&ĐT) cho biết, hiện nay các địa phương đều đã có quy hoạch giáo dục mang tính ổn định, lâu dài. Trên cơ sở đó, trường đạt chuẩn phải có sự bố trí số lớp, sĩ số học sinh trên lớp, các phòng chức năng ở các điểm chính, điểm lẻ đúng quy định để duy trì danh hiệu trường đạt chuẩn.
Về nội lực, ngành kiên quyết xử lý đối với những cán bộ quản lý không hoàn thành nhiệm vụ, giáo viên, nhân viên không đáp ứng yêu cầu. Các phòng GD&ĐT tổ chức khảo sát trình độ và năng lực của toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; lựa chọn, sắp xếp cử cán bộ quản lý đi bồi dưỡng nghiệp vụ, tạo điều kiện để giáo viên đi đào tạo chuẩn, trên chuẩn, đặc biệt chú trọng rà soát đội ngũ giáo viên đặc thù. Bên cạnh đó, phát động sâu rộng về phong trào tự học, tự bồi dưỡng về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, có chế độ động viên, khen thưởng đối với cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên có nhiều thành tích. Mỗi trường phải có trách nhiệm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục từ việc tổ chức thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của học sinh; từng bước sử dụng các thiết bị hiện đại trong quá trình dạy học như sử dụng công nghệ thông tin, truy cập thông tin kiến thức từ Internet; tổ chức tốt các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; giáo dục truyền thống; giáo dục thể chất, thẩm mỹ; kỹ năng sống, kỹ năng thực hành; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thực hiện tốt phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”...
Ông Hải cũng cho biết, để hoàn thành kế hoạch phát triển trường đạt chuẩn theo lộ trình, ngành GD&ĐT phối hợp tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng CSVC và thiết bị trường học, xác định nhu cầu của từng trường; tham mưu lãnh đạo các cấp tập trung đầu tư cho các trường trong đề án theo hướng đồng bộ, hiện đại. Theo đó, các trường phải đáp ứng được nhu cầu về phòng học, khu hành chính, phòng chức năng, khu luyện tập thể dục thể thao, khu vệ sinh, hệ thống tường rào… Đồng thời, tổ chức tốt việc huy động các nguồn lực và cơ chế góp vốn đầu tư xây dựng, lồng ghép các chương trình mục tiêu trên địa bàn để đến năm 2015 có 100% phòng học kiên cố, đủ thiết bị, máy móc cho trường chuẩn quốc gia; gắn kết việc xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia với việc xây dựng nông thôn mới.