Tin tức
Cổ tích về một ngôi “trường làng”
(LĐ) - Số 46 - Thứ hai 04/03/2013 10:16
Khi đặt những viên đá đầu tiên xây Trường THCS An Bằng – Vinh An (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) năm 2002, những thành viên của Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động; ban vận động quyên góp ngân quỹ để xây trường của cộng đồng “An Bằng hải ngoại”; những người địa phương… cũng chỉ mơ về “một ngôi trường riêng cho con em địa phương”.
Từ một vùng cát trắng, An Bằng trở thành điển hình của tỉnh Thừa Thiên - Huế về cảnh quan sau 10 năm. Ảnh: H.V.M
Ngôi trường tâm nguyện
Ngôi trường tâm nguyện là chữ dùng của ông Phạm Hưởng - Trưởng ban vận động quyên góp tiền xây dựng Trường An Bằng – Vinh An cách đây 10 năm với tâm sự: “Làng mình có hơn 400 năm lịch sử nhưng chưa hề có trường trung học. Vì vậy các thế hệ tiền bối cho đến thế hệ chúng tôi phần lớn phải thất học do nghèo khó, do thiếu một môi trường văn hoá...”. Đó là lý do khiến các ông Phạm Hưởng, Văn Nhân Đạo, Lê Thanh Lâm, Văn Lạng... đã ngồi lại để lập nên ban vận động quyên góp ngân sách xây cho quê hương An Bằng của họ một ngôi trường. Và Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động là đơn vị phối hợp để xây trường thời điểm đó.
Đêm trước ngày Trường THCS An Bằng – Vinh An tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập và đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (tối 1.3), tôi cùng thầy giáo Phạm Hồng Hải – Hiệu trưởng và các thầy cô giáo quây quần bên mâm cơm cúng tạ ơn thổ thần ở trong sân trường. Suốt buổi tối, ông Hải cứ nhắc đi nhắc lại những kỷ niệm của 10 năm trước, lâu lâu phải nhờ thanh niên trong làng ra “giải cứu” khi ôtô chở những thành viên Báo Lao Động ra xây trường, dự lễ khánh thành... liên tục “mắc cạn” giữa những con đường cát. Thầy giáo Đoàn Văn Toản - một trong những người ngày đầu tiếp quản trường An Bằng - nhớ lại: “Trường xây xong, khánh thành bàn giao một năm rồi nhưng đường vào trường vẫn chưa có. Sân trường, nơi mình đang ngồi đây là bãi cát thấp trũng”.
Cộng đồng An Bằng hải ngoại thông qua Quỹ TLV Lao Động để đặt nền móng cho Trường An Bằng cách đây 10 năm. Ảnh: H.V.M |
“Nhưng chừng đó vẫn chưa là gì so với những khó khăn về nhân lực, nguồn lực, tài chính...” - thầy Hải chen lời. Và tôi không tin vào tai mình khi ông kể hồi đó, trường có 21 cán bộ, giáo viên và một nhân viên bảo vệ trên 20 lớp, (thiếu tới 25 người). Toàn trường có 840 học sinh thuộc hai thôn An Bằng và Hà Úc thì trong đó có gần 90 em hoàn cảnh gia đình khó khăn cần được trợ cấp. Về mặt đạo đức thì cực kỳ yếu kém. Học sinh hai thôn vốn có truyền thống mất đoàn kết từ trước năm... 1975, nay liên tục gây gổ đánh nhau. Đặc biệt qua kỳ thi khảo sát vào cuối tháng 10.2002, có trên 45% loại yếu...”.
Kể đến đây thầy Hải ngừng lại, chạy vội lên phòng mình mang xuống một bộ ấm trà cũ. “Tôi vẫn còn giữ nó để làm kỷ niệm” - ông nói: “Hồi đó trường không nhận được nguồn kinh phí ban đầu cho việc tách trường. Giáo viên phải nhận lương tại đơn vị cũ, đến tháng 2.2003 trường mới có tài khoản riêng. Suốt 4 tháng dạy học từ tháng 10.2002 đến tháng 1.2003 mọi hoạt động đều tạm thời chưa có kinh phí. Bộ ấm trà này là tôi mua nợ của người ta...”. Thầy Toản tiếp lời: “Lúc bấy giờ, một số giáo viên chán nản đã xin chuyển đi dạy nơi khác, nhiều phụ huynh không yên tâm đã xin cho con mình chuyển trường. Tình hình bi đát tới mức một số cán bộ địa phương và chính tôi cũng nghi ngờ rằng liệu trường này có tồn tại được không? Vậy mà nó không những tồn tại mà còn phát triển như bây giờ...”.
“Trường làng” đạt chuẩn quốc gia
Sau bữa tối, thầy Hải tranh thủ dẫn tôi đi loanh quanh thăm trường. Bây giờ nhìn sân trường An Bằng lát gạch viền cỏ, bốn bề cây xanh phủ bóng đến tầng hai nở hoa khoe sắc, nhớ lại những chuyện kể cách đây 10 năm của thầy Hải, thầy Toản mà ngỡ như cổ tích. “Trường An Bằng – Vinh An là đơn vị thứ hai của huyện Phú Vang được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Và khuôn viên của trường được Sở GD&ĐT tỉnh công nhận là mô hình tiêu biểu của địa phương” - thầy Hải khoe. Vỗ tay vào một gốc cây phượng, ông bảo “là công sức của giáo viên và học sinh cả đấy”. Đoàn Thanh Diệu Hằng - một cựu học sinh của trường vừa tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Huế có mặt tối hôm đó - nhớ lại: “Chính em là người đào hố trồng cây phượng này và lúc đó vừa đào em vừa nghĩ, chắc khoảng 3 ngày là chết héo, vậy mà...”. Chị Hằng - một phụ huynh - kể: “Bà con ở đây rất xúc động khi chứng kiến từ cán bộ đến thầy cô giáo và học sinh tranh thủ những ngày nghỉ lễ, ngày chủ nhật, kể cả ngày nghỉ tết để mang hoa đến trồng, chăm sóc. Có thầy giáo còn trồng cây, chăm hoa đến tận 9 -10 giờ đêm mới rời trường...”.
Không chỉ chuyện cảnh quan, chỉ sau một năm thành lập, trường An Bằng đã đạt danh hiệu lao động tiên tiến. Liên tục từ các năm sau đó, trường đã phát triển nhanh, mạnh, toàn diện và ngày càng hoàn thiện, vươn lên đạt danh hiệu lao động xuất sắc.
Thầy Hải tự hào: Sau 10 năm, chất lượng giáo dục đã có bước tiến vượt bậc. Năm học 2011-2012, trường có 19 lớp với 566 học sinh và tỉ lệ học sinh giỏi đạt hơn 16% (tăng 12% so với năm đầu tiên) và không có học sinh kém. Đặc biệt trong 10 năm qua, học sinh của trường An Bằng – Vinh An đạt 224 giải học sinh giỏi cấp huyện, 89 giải học sinh giỏi cấp tỉnh và 3 giải học sinh giỏi cấp quốc gia. Có 31 em thi đỗ vào Trường chuyên Quốc học và lớp chuyên của Trường ĐH Khoa học Huế. Gần đây nhất, trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện, trường đã xuất sắc giành được 12 giải...
Còn nhớ ngày khởi công xây dựng Trường THCS An Bằng - Vinh An, ông Phạm Hưởng - Trưởng ban vận động xây dựng trường - phát biểu ao ước: “Tôi ước mong trong tương lai, giữa những tên tuổi thành đạt trong lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hoá của đất nước và thế giới có người đứng lên tự giới thiệu rằng: Kính thưa quý vị tôi sinh tại làng An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên –Huế, nguyên là học sinh trường trung học An Bằng...”. Vì lý do sức khoẻ nên ngày trường An Bằng kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận bằng khen của Thủ tướng, ông Phạm Hưởng không có mặt ở Việt Nam. Nhưng chắc hẳn ông sẽ vui lắm nếu biết rằng, trong buổi sáng ngày 2.3, đã có một sự trùng hợp ngẫu nhiên với ước nguyện của ông khi em Đoàn Thanh Diệu Hằng đã đại diện cho các thế hệ cựu học sinh trường An Bằng, trong đó có nhiều người vừa tốt nghiệp đại học như em để đứng trên bục cao run run nói với mọi người rằng: “Kính thưa quý thầy cô và khách quý, em tên là Đoàn Thanh Diệu Hằng, em sinh tại làng An Bằng. Em tự hào vô cùng khi được nguyên là học sinh Trường trung học An Bằng – Vinh An...”.
Có lẽ An Bằng – Vinh An là trường trung học duy nhất trong cả nước được lấy tên làng An Bằng để đặt tên trường. Vậy nên xét về mặt nào đó, An Bằng – Vinh An là một ngôi “trường làng”. Tuy nhiên những chuyện cổ tích đẹp đẽ mà thầy và trò họ đã viết lên trong 10 năm qua thì ý nghĩa của nó đã vượt ra khỏi phạm vi của cả huyện, tỉnh, thậm chí là cả nước...
Số lượt xem : 878
Chưa có bình luận nào cho bài viết này