In trang

NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG HỌC ĐƯỜNG
Cập nhật lúc : 17:48 11/05/2015

Sức khoẻ con người gắn liền với mọi biến động lớn, nhỏ của môi trường và những biến động đó có thể trở thành mối đe doạ cho sức khoẻ, đặc biệt là khi con người sống trong hoàn cảnh thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh môi trường kém.

 

Có đến 80% trường học bị tiêu chảy là do thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo. Mỗi năm, trên thế giới có 3 triệu trẻ em chết do liên quan đến nước sạch và vệ sinh môi trường. Năm 2000, trên thế giới  vẫn còn 1,1 tỷ người thiếu nước sạch cho sinh hoạt và 2,4 tỷ người không được sử dụng các công trình vệ sinh đủ tiêu chuẩn. Tại Việt Nam, đến hết năm 2003, cả nước vẫn còn 46% dân cư nông thôn phải sử dụng nước không an toàn và gần 60% hộ gia đình chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh. Trong học đường, cho đến nay tuy đã có hơn 10.000 trường học các cấp có các công trình cấp nước sạch và công trình nhà tiêu, hố tiểu đạt vệ sinh được xây dựng là cơ sở để học sinh thực hành các thao tác vệ sinh được học tại học đường, vừa bảo đảm nhu cầu sinh hoạt của thầy và trò, vừa tạo môi trường vệ sinh cho trường học. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều trường học chưa có nguồn nước sạch, chưa có nhà tiêu, hố xí hợp vệ sinh. Nhiều trường học, từ trường mầm non, tiểu học đến đại học, cao đẳng chưa thực sự quan tâm xây dựng hệ thống cấp nước sạch và các công trình nhà tiêu, hố tiểu bảo đảm phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày khi các em đến trường.

 

Trong điều kiện môi trường như vậy, nhiều loại bệnh tật rất dễ phát sinh, nhiều khi trở thành các nguồn lây nhiễm nguy hiểm. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, nước ta từ năm 1996 - 2000, mỗi năm trung bình có 1 triệu trường hợp bị kiết lỵ, 19.000 trường hợp bị thương hàn, 37.000 trường hợp bị lỵ amip. Tình trạng giun ở trẻ em khu vực nông thôn rất cao, nhiều nơi ở Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh có tới 80% học sinh tiểu học bị nhiễm các loại giun đũa, giun móc, giun kim, giun tóc. Một cuộc điều tra về dịch tễ học bệnh mắt hột do Bộ Y tế tiến hành tại 12 huyện của 8 tỉnh miền Bắc từ tháng 7 - 9/2001 cho thấy, tỷ lệ mắt hột hoạt tính trong cộng đồng là 13,4%, trong đó trẻ em dưới 19 tuổi chiếm 39%, tỷ lệ quặm do mắt hột từ 1,2 tới 4,1% trong nhóm đối tượng trên 35 tuổi. Bệnh ngoài da như ghẻ, lở, hắc lào cũng như những bệnh phổ biến ở những vùng thiếu nước sạch và công trình vệ sinh.

 

Chính vì vậy, việc xây dựng và cải thiện điều kiện vệ sinh là vô cùng quan trọng để giảm tỷ lệ mắc bệnh của người dân, đặc biệt là trẻ em. Trong các trường học cần lưu ý kiểm tra vệ sinh cá nhân và vệ sinh trường lớp hàng ngày. Giảng dạy cho học sinh kiến thức và kỹ năng thực hành về các vấn đề sức khoẻ như vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường sở, vệ sinh môi trường và nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao dần những hiểu biết của học sinh về tầm quan trọng của nước sạch và vệ sinh môi trường đối với sức khoẻ của cá nhân cũng như của cộng đồng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống của gia đình, làng xóm, thôn bản… bằng cách khắc phục các tập quán, thói quen lạc hậu, phản vệ sinh, xây dựng các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khoẻ. Bảo đảm đủ nước uống và nước rửa sạch cho học sinh và phục vụ vệ sinh trường sở. Có nhà vệ sinh sạch sẽ phục vụ đủ cho học sinh và giáo viên. Có hệ thống thoát nước đảm bảo vệ sinh, có biện pháp thu gom và xử lý rác hàng ngày, không gây ô nhiễm môi trường. vệ sinh cơ sở vật chất và môi trường học đường hết sức quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ thể chất, tinh thần và kết quả học tập của mỗi học sinh.

 

Hiện nay, ở Việt Nam có hơn 23 triệu học sinh, sinh viên theo học trong hơn 35.000 trường học, từ mầm non đến tiểu học, trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, cao đẳng và đại học. Đây là một đội ngũ rất đông đảo. Nếu 23 triệu người này được nâng cao nhận thức, có kiến thức và thái độ đúng về bảo vệ môi trường thì đây là nhân tố rất quan trọng và to lớn để thực hiện công cuộc bảo vệ môi trường của đất nước Việt Nam, bởi học sinh, sinh viên hôm nay là người chủ tương lai của đất nước.

 

 (ST)