Dạy học môn Toán đáp ứng chương trình mới
Cập nhật lúc : 11:04 28/09/2015
GD&TĐ - Để đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới, ngoài nhiệm vụ dạy học truyền thống, giáo viên môn Toán cần tăng cường mạch tri thức giá trị để từng mạch kiến thức trở nên thiết thực, gắn với thực tiễn cuộc sống nhiều hơn.
Đồng thời, đề cao việc phát huy năng lực, sở trường cá nhân học sinh trong dạy học. Đó là quan điểm của Tiến sĩ Hoàng Công Kiên và Tiến sĩ Phan Thị Tình (Trường ĐH Hùng Vương - Phú Thọ).
Nhận thức mối liên hệ giữa toán học và thực tiễn
Tiến sĩ Hoàng Công Kiên và Tiến sĩ Phan Thị Tình nhấn mạnh: Cần cho học sinh nhận thức rõ toán học xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm điểm tựa để phát triển và là mục tiêu phục vụ.
Để đạt tới trình độ vận dụng toán học, học sinh cần chủ động tiếp cận và đào tạo kiến thức. Như vậy, ngoài trang bị cho học sinh hệ thống kiến thức chắc chắn, chính xác, đầy đủ theo các mạch trong hệ thống tri thức toán học, giáo viên cần trang bị cho học sinh hiểu biết về giá trị của các kiến thức đối với các lĩnh vực thực tiễn, giúp học sinh nhận thức được vai trò của thực tiễn đối với sự phát triển toán học trong quá trình dạy học.
Tăng cường các yếu tố lịch sử toán học
Tiến sĩ Hoàng Công Kiên và Tiến sĩ Phan Thị Tình cũng lưu ý cần tăng cường hiểu biết của học sinh về các yếu tố lịch sử toán học.
Các yếu tố lịch sử toán học cần giới thiệu cho học sinh chủ yếu là những yếu tố lịch sử gắn với nguồn gốc phát sinh, phát triển kiến thức toán học, về hiệu quả áp dụng kiến thức trong một số lĩnh vực của xã hội, về cuộc đời và những đóng góp của các nhà toán học đối với một số mạch kiến thức.
Điều này không chỉ góp phần nâng cao tri thức, tầm hiểu biết của người học toán, làm toán mà còn tạo hứng thú học tập, tạo sự tự tin về tiềm năng bản thân trong việc học tập, nghiên cứu toán của học sinh.
Trang bị các bước vận dụng toán học vào thực tiễn
Việc trang bị cho học sinh những kiến thức về các bước vận dụng toán học vào thực tiễn cũng vô cùng quan trọng.
Theo Tiến sĩ Hoàng Công Kiên và Tiến sĩ Phan Thị Tình, các bước vận dụng toán học vào thực tiễn chủ yếu cần chú trọng cho học sinh là: Lập mô hình toán học cho bài toán; giải bài toán trên mô hình; trả kết quả lời giải cho bài toán thực tiễn.
Ngoài ra, có thể cung cấp cho học sinh một số mô hình toán tổng quát, điển hình cho tình huống thực tiễn của các lĩnh vực khác nhau. Điều này giúp học sinh có vốn kiến thức về nhận biết và một số phản ánh thực tiễn của toán học; có khả năng mô hình hóa toán học các bài toán thực tiễn; đánh giá, điều chỉnh mô hình, giải toán trên mô hình, khái quát hóa một lớp bài toán từ một mô hình toán học cho trước.
Tạo thói quen xây dựng và giải các bài toán thực tiễn
Tiến sĩ Hoàng Công Kiên và Tiến sĩ Phan Thị Tình cũng cho rằng, cần tạo điều kiện cho học sinh thâm nhập vào các tình huống thực tiễn, gợi động cơ làm nảy sinh nhu cầu đặt và giải quyết các bài toán thực tiễn có thể nảy sinh từ tình huống đó.
Điều này giúp học sinh hình thành thói quen thu nhận thông tin toán học từ tình huống thực tiễn, phát hiện ra quy luật của tình huống, liên tưởng, kết nối kiến thức toán học hoặc kiến thức kết hợp liên môn với các yếu tố trong tình huống thực tiễn, hình thành thói quen trực giác toán học, tạo khả năng liên tưởng, kết nối toán học với thực tiễn, phát triển văn hóa toán học cho người học.
Ngoài ra, có thể vận dụng các tiêu chí đánh giá năng lực toán học phổ thông theo Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), đề xuất hướng xây dựng các chủ đề kiến thức toán học gắn với thực tiễn, xây dựng tuyến bài toán thực tiễn thuộc các chủ đề kiến thức khác nhau phục vụ cho dạy học, đề xuất việc cải tiến, kiểm tra, đánh giá kiến thức môn Toán ở trường phổ thông.
Thiết kế kế hoạch học tập phù hợp
Nội dung cuối cùng Tiến sĩ Hoàng Công Kiên và tiến sĩ Phan Thị Tình đề cập đến là thiết kế các kế hoạch học tập phù hợp giúp học sinh chủ động xác lập và thực thi kế hoạch chiếm lĩnh tri thức, phát triển năng lực, cá nhân.
Qua mỗi kế hoạch học tập, giáo viên tạo điều kiện cho học sinh chủ động xác định nhiệm vụ, kế hoạch học tập trong sự giao lưu, tương tác giữa các cá nhân. Từ đó hình thành và phát triển các năng lực, phẩm chất cần thiết của người lao động trong xã hội hiện đại, tạo điều kiện gắn kết kiến thức vào các tình huống của thực tiễn một cách tự nhiên.
Ngoài ra, giáo viên nên tăng cường hoạt động ngoại khóa toán học với các chủ đề thuộc các lĩnh vực khác nhau. Việc làm này giúp đào sâu, mở rộng kiến thức, góp phần gây hứng thú học tập, rèn luyện cho học sinh ý thức, phong cách làm việc tập thể, hình thành và phát triển cho học sinh các phương pháp, kỹ năng toán học, kỹ năng vận dụng toán học, nâng cao hiểu biết liên môn.
Trong đó, cần chú trọng hình thức tham quan, học tập tại các cơ sở kinh tế, bệnh viện, trường học.... ở địa phương nhằm bước đầu mang vốn kiến thức, hiểu biết của bản thân để xây dựng, phát triển địa phương. Từ đó, học sinh được tiếp cận, trải nghiệm, thể nghiệm mình với các lĩnh vực khác nhau của đời sống thực tiễn. Đồng thời, có cơ hội, điều kiện để kiểm chứng sở trường của mình trong các lĩnh vực đó. Điều này vừa góp phần giáo dục trách nhiệm công dân của học sinh đối với vấn đề phát triển địa phương, vừa góp phần định hướng giáo dục nghề nghiệp cho học sinh.
“Xây dựng mô hình toán học cho bài toán là vấn đề mấu chốt, có tính chất quyết định hiệu quả của việc vận dụng toán học. Bởi thế, giảng viên nên chú trọng điều này để tạo nền móng vững chắc cho sinh viên dạy học sinh của họ các bước vận dụng toán học.
Ngoài ra, giảng viên cần lưu ý cho sinh viên những sai lầm mà học sinh phổ thông dễ mắc khi tiếp cận các môn học này hoặc trong quá trình vận dụng kiến thức để giải các bài toán thực tiễn”.
Hải Bình
Bản quyền thuộc Trường THCS An Bằng Vinh An
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thcs-abangvan.phuvang.thuathienhue.edu.vn/