In trang
Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi Thư chúc mừng nhân dịp khai giảng năm học 2017 - 2018
Cập nhật lúc : 11:03 04/09/2017

Nhân dịp khai giảng năm học 2017 - 2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi Thư chúc mừng tới các thế hệ nhà giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh và các em sinh viên, học sinh cả nước.

Hà Nội, ngày 01 tháng 9 năm 2017

THƯ CHÚC MỪNG

Các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh và các em sinh viên, học sinh thân mến!

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2017 - 2018, tôi thân ái gửi tới các thế hệ nhà giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh cùng các em sinh viên, học sinh cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Năm học 2016 - 2017, ngành Giáo dục đã nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo và đạt được những kết quả quan trọng. Các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ngày càng đi vào chiều sâu, đúng định hướng; chất lượng giáo dục các cấp học được nâng cao. Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 được tổ chức nghiêm túc, có hiệu quả; các đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic quốc tế các môn Toán học, Vật lý học, Hóa học, Sinh học và Tin học đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, được bạn bè quốc tế đánh giá cao…

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi biểu dương sự cố gắng, nỗ lực và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả, thành tích mà toàn ngành Giáo dục đã đạt được trong năm học vừa qua.

Năm học 2017 - 2018, ngành Giáo dục cần tiếp tục triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Tập trung xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật cho sinh viên, học sinh. Quan tâm đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng căn cứ kháng chiến trước đây, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chăm lo hơn nữa đối tượng chính sách, bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người dân.

Tôi mong các em sinh viên, học sinh tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão cống hiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và khát vọng xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho bản thân, gia đình và xã hội; nỗ lực phấn đấu đạt nhiều kết quả trong học tập, rèn luyện và nghiên cứu khoa học.

Chúc các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Giáo dục và toàn thể các em sinh viên, học sinh đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong năm học mới. Chúc sự nghiệp giáo dục của chúng ta ngày càng phát triển!

Thân ái!

Trần Đại Quang

Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ Tuyên dương – Khen thưởng học sinh giỏi cấp Quốc gia và cấp tỉnh năm học 2014-2015
Cập nhật lúc : 11:09 02/06/2015

Nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2015), chiều ngày 19/5/2015, Sở Giáo dục và Đào tạo đã long trọng tổ chức Lễ Tuyên dương – Khen thưởng học sinh giỏi cấp Quốc gia và cấp tỉnh năm học 2014-2015. Đến dự Lễ có đồng chí Nguyễn Văn Cao – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Mễ, Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Thanh Huyền, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, các huyện, thị xã và TP Huế.

Trong phần Lễ báo công và  dâng hoa lên Bác Hồ kính yêu, em TÔN NỮ DẠ NGUYÊN – học sinh trường THPT chuyên Quốc Học, Huế, học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn, đại diện cho hơn 1.600 học sinh xuất sắc trong toàn tỉnh đạt các giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh; đã dâng hoa và báo công với Bác, trong báo công các em đã hứa với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là sẽ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, học tập để trở thành người con ngoan, trò giỏi, có nhiều thành tích hơn nữa trong thời gian tới.

Em TÔN NỮ DẠ NGUYÊN (học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn- trường THPT chuyên Quốc Học, Huế) đang báo công với Bác Hồ

Năm học 2014-2015, Ngành Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế đã gặt hái được nhiều thành tích, trong đó nổi bật là kết quả và chất lượng học sinh giỏi các cấp. Năm học vừa qua, toàn tỉnh có 44 giải cấp quốc gia các môn văn hóa, 18 giải cấp quốc gia máy tính cầm tay, 44 giải cấp quốc gia Violimpic, 66 giải IOE, 6 giải “Tài năng Tiếng Anh” và 6 giải trong Hội thi khoa học – kỹ thuật học sinh Trung học toàn quốc.

Trong báo cáo tuyên dương thành tích học sinh giỏi năm học 2014 – 2015, đồng chí Phạm Văn Hùng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ số lượng, chất lượng học sinh giỏi năm nay cao hơn năm trước; đặc biệt, có nhiều em có điều kiện kinh tế khó khăn ở Nam Đông, A Lưới nhưng đã cố gắng vươn lên và đạt giải học sinh giỏi các cấp. Đồng chí Phạm Văn Hùng cũng căn dặn các em không được chủ quan, tự mãn với thành tích đạt được mà phải phấn đấu để giữ vững và nâng cao thương hiệu học sinh giỏi của mình.

Đ/c NGUYỄN VĂN CAO – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - phát biểu tại buổi Lễ

Phát biểu chúc mừng tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận và biểu dương những thành tích đạt được của ngành Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế trong năm học 2014-2015. Đồng thời, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn Ngành Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; phấn đấu, nỗ lực để nâng cao số lượng, chất lượng học sinh giỏi tương xứng với vùng đất có lịch sử hiếu học; thực hiện thắng lợi Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Một số hình ảnh tại buổi Lễ Tuyên dương và khen thưởng

 

 

 

Phan Xuân Nghĩa, Văn phòng Sở

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh trống khai giảng năm học mới tại trường THPT Bùi Thị Xuân sáng 3/9

Năm học mới, niềm tin mới
Cập nhật lúc : 22:41 06/09/2014

(TTH) - Sáng 5/9, cùng với cả nước, các cơ sở trường học ở Thừa Thiên Huế đồng loạt khai giảng năm học mới 2014-2015 trong niềm hân hoan và phấn khởi. Chung vui với thầy trò toàn tỉnh trong ngày tựu trường, có sự tham dự của đại diện lãnh đạo tỉnh cùng các ban ngành và địa phương.

* Hơn 1.200 học sinh Trường trung học phổ thông (THPT) chuyên Quốc Học Huế chính thức bước vào năm học mới. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Tiến sĩ Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đến dự.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện chúc mừng, động viên cô và trò Trường Quốc Học trong ngày khai giảng năm học mới 2014-2015. Ảnh: Võ Nhân
Năm học 2014-2015 là năm học thứ 118 của Trường Quốc học. Tiếp bước cha anh, thầy và trò Quốc Học đang tiếp tục ghi thêm vào bảng vàng thành tích của trường. Riêng năm học qua, chất lượng giáo dục toàn diện của trường tiếp tục cải thiện với 98, 4% học sinh đạt loại khá trở lên, trong đó có 76,41% loại giỏi về học tập. Giáo dục đỉnh cao thành công lớn với Huy chương Bạc Olympic quốc tế Hóa học lần thứ 46 của em Đoàn Quốc Hoài Nam cùng 48 giải học sinh giỏi cấp quốc gia, 279 giải học sinh giỏi cấp tỉnh, 40 giải học sinh giỏi khu vực về Máy tính cầm tay và Olympic các tỉnh Duyên hải-Đồng bằng Bắc bộ lần thứ 7, cùng nhiều giải thưởng trong các sân chơi trí tuệ, thể thao của học sinh phổ thông Việt Nam. Đợt tuyển sinh đại học 2014, trường có 23 em được chuyển thẳng, trên 95% học sinh lớp 12 thi đỗ nguyện vọng 1; 46 em đỗ thủ khoa, á khoa và có 10% học sinh trong tốp 50 học sinh có điểm tuyển sinh đại học cao nhất Việt Nam.
Hiệu trưởng Nguyễn Phước Bửu Tuấn thay mặt thầy và trò toàn trường hứa trước lãnh đạo tỉnh và ngành thực hiện tốt nhất nhiệm vụ xây dựng Trường Quốc Học thành một cơ sở giáo dục chất lượng cao, hội nhập quốc tế; tạo sự chuyển biến trong phát hiện và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; phấn đấu tiếp tục có học sinh đạt giải quốc tế; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, mở rộng quan hệ hợp tác để nâng cấp cơ sở vật chất
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện chúc mừng thành công của thầy và trò nhà trường và mong rằng nhà trường tiếp tục phát huy truyền thống, nỗ lực phấn đấu dạy và học thật tốt để góp phần bồi dưỡng, phát hiện nhân tài, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đồng thời chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, văn hóa Huế, ý thức trách nhiệm xã hội, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tăng cường giáo dục hướng nghiệp và giáo dục pháp luật cho mỗi một học sinh, để các em sẽ là những công dân tiêu biểu của quê hương Thừa Thiên Huế.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao tặng hoa chúc mừng thầy trò Trường THPT Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Hải Triều
* Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Quảng Điền) long trọng tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2014-2015 vào sáng 5/9. Đến dự, có ông Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Năm học mới, cơ sở vật chất của nhà trường đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học, gồm 9 phòng chức năng, 18 phòng học, 36 lớp với 1.508 học sinh. Đó là điều kiện để trường phấn đấu xây dựng đạt chuẩn quốc gia trong năm học 2014-2015.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao yêu cầu nhà trường nỗ lực nhiều hơn nữa để xây dựng, giữ vững ngôi trường tốp đầu của tỉnh về chất lượng giáo dục. Nhà trường cần có kế hoạch cụ thể về bồi dưỡng giáo viên nhằm thực có hiệu quả, đạt chất lượng cao chương trình thay sách giáo khoa; quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới giáo dục phổ thông theo mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất học sinh; đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; thực hiện tốt công tác giáo dục toàn diện, đào tạo thế hệ trẻ phát triển cả về đạo đức, trí tuệ, thể chất và thẩm mỹ. Các em học sinh phải nỗ lực học tập, trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh nhằm xứng đáng là học sinh của trường có bề dày thành tích chất lượng cao của tỉnh, huyện; ngôi trường mang tên vị tướng tài của dân tộc.
* Sáng 5/9, Trường THPT Phan Đăng Lưu long trọng tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2014 – 2015. Ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đến dự.
Năm học qua, thầy và trò Trường THPT Phan Đăng Lưu đạt được nhiều thành tích trong việc dạy và học. Số học sinh có học lực khá và giỏi chiếm 72,2%; số học sinh có hạnh kiểm khá và tốt chiếm 99,5%, đạt giải tư toàn đoàn tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; tỷ lệ học sinh đậu cao đẳng, đại học chiếm tỷ lệ 80,5%... Năm học 2014 – 2015, Trường THPT Phan Đăng Lưu quyết tâm xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”; xây dựng lề lối làm việc tạo môi trường dạy và học nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm cao.
* Sáng 5/9, ông Nguyễn Văn An, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đến dự khai giảng năm học 2014-2015 tại trường THPT Vinh Lộc (Phú Lộc).
Năm học 2013 - 2014, Trường THPT Vinh Lộc có tỷ lệ HS khá 46,8%, giỏi đạt 7,02%; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 99,29%. Cũng năm học này, trường có đội ngũ học sinh giỏi lớp 12 thi đạt 28 giải cao cấp tỉnh; trong đó có 1 giải nhất môn Toán, giải nhất môn Hoá. Nhà trường vinh dự được UBND tỉnh công nhận tập thể lao động xuất sắc trong năm học 2013-2014.
Năm học 2014 - 2015, thầy và trò Trường THPT Vinh Lộc tiếp tục đổi mới, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua vì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.
* Trong lễ khai giảng năm học mới của Trường THPT Hai Bà Trưng, bà Đoàn Thị Thanh Huyền, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đánh giá cao những thành tích mà trường đạt được trong năm học qua và động viên giáo viên, học sinh cố gắng phát huy truyền thống dạy tốt.
Trường THPT Hai Bà Trưng luôn duy trì tốt chất lượng giáo dục toàn diện, với tỷ lệ học sinh khá giỏi chiếm 85%. Tỷ lệ học sinh đậu đại học đạt 85%, với 7 thủ khoa và á khoa các ngành. Năm học 2014 -2015, trường đón nhận 562 học sinh lớp 10, nâng tổng số học sinh toàn trường lên hơn 1.800 học sinh.
* Ông Hồ Viết Bá, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy đã đến dự và chung vui cùng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ trong ngày khai giảng 5/9. Chuyển từ mô hình bán công sang công lập chưa lâu, song chất lượng đào tạo của Trường THPT Nguyễn Trường Tộ không ngừng được nâng lên, với tỷ lệ học sinh giỏi năm sau luôn cao hơn năm trước. Số lượng học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh năm học vừa qua cũng cao hơn, với 16 giải. Tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học ở nguyện vọng 1 đạt hơn 200 em. Đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn khá cao...
* Tại lễ khai giảng của Trường THPT Gia Hội, ông Phan Ngọc Thọ, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh động viên tập thể giáo viên học sinh không ngừng cố gắng nâng cao hơn nữa thành tích học tập. Thầy Hoàng Như Dũ, Hiệu trường Trường THPT Gia Hội cho hay, tuy điểm chuẩn đầu vào năm học qua chưa cao, nhưng nhờ sự nỗ lực toàn bộ giáo viên và học sinh, kết quả dạy và học đạt khá tốt, với tỷ lệ học sinh khá giỏi đạt gần 40%. Tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng đạt 95,7%. Có 195 em đậu đại học nguyện vọng 1, trong đó có 7 em đạt thủ, á khoa các ngành.
* Đến dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường phổ thông Chi Lăng, ông Nguyễn Kim Dũng, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế chúc mừng thầy cô giáo và các em học sinh đã có nhiều cố gắng trong công tác dạy và học. Điều đó được thể hiện qua kết quả học tập năm học 2013-2014, với tỷ lệ học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 đạt khá gỏi khá cao. Nhiều em đạt học sinh giỏi cấp TP Huế. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 97,7% và thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trên cả nước đạt hơn 63%.
* Tập thể giáo viên và trên 1.675 học sinh của Trường THPT Đặng Huy Trứ (Hương Trà) hân hoan đón chào năm học mới, Thiếu tướng Mai Văn Hà, UVTVTU, Giám đốc Công an tỉnh đến dự.
Năm học 2013-2014, Trường THPT Đặng Huy Trứ có tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 99%; đỗ tốt nghiệp đạt 100%. Bước đầu nguyện vọng 1 có 400 học sinh đỗ vào các trường ĐH, CĐ, chiếm tỷ lệ 71%. Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh đạt 49 giải, có 2 giải cấp Quốc gia. Trường có 5 học sinh đỗ thủ khoa, á khoa các trường ĐH.
* Sáng 5-9, ông Phạm Quốc Dũng, UVTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đến dự lễ khai giảng năm học mới 2014-2015 cùng thầy và trò trường THPT Nam Đông.
 Trường THPT Nam Đông có 447 học sinh, được biên chế thành 14 lớp. Năm học mới này, nhà trường tiếp tục triển khai thực hiện tốt kế hoạch của ngành giáo dục, nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với nhiệm vụ của nhà trường.
Năm học qua, tỷ lệ học sinh khá, giỏi của nhà trường chiếm gần 62%. Có 7 học sinh đoạt giải tại các kỳ thi cấp tỉnh; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 99,4%, 115 học sinh thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học chiếm tỷ lệ 59,9%...
* Sáng 5-9, ông Bùi Thanh Hà, UVTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy đến dự và chung vui cùng với thầy và trò Trường THPT Phong Điền, nhân khai giảng năm học mới 2014-2015.
Năm học này, Trường THPT Phong Điền đón nhận 750 học sinh, theo học tại 24 lớp; trong đó có 224 em lớp 10. Trường THPT Phong Điền tiếp tục thực hiện việc “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo; cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và tự sáng tạo”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”...
* Tại Trường THPT Hương Thủy (thị xã Hương Thủy), ông Trần Phùng – UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, về dự lễ khai giảng.
Năm học qua, thầy và trò Trường THPT Hương Thủy gặt hái được nhiều thành tích trong công tác dạy và học: 5,6% học sinh giỏi toàn diện; 48,2% học sinh tiên tiến; 99,51% học sinh đậu tốt nghiệp; 31 học sinh đạt giải HSG cấp tỉnh; gần 200 học sinh đậu CĐ và ĐH nguyện vọng 1; tập thể được công nhận Trường tiên tiến xuất sắc...
* Sáng 5-9, ông Trần Đình Phòng, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đến dự lễ khai giảng năm học mới cùng thầy và trò trường THPT Hồng Vân, huyện A Lưới.
Năm học qua, thầy và trò Trường THPT Hồng Vân đạt được nhiều thành tích trong học tập. Tỷ lệ tốt nghiệp đạt 97%, tỷ lệ học sinh khá, giỏi hàng năm đạt tỷ lệ 95- 98%. Năm học qua trường có 3 giao viên đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh. Năm học 2014 – 2015, trường đầu tư mới 4 phong học chức năng, 3 phòng học bộ môn.
* Sáng 5-9, đồng loạt 69 cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Phong Điền tổ chức khai giảng năm học mới.
Năm học 2014-2015, huyện Phong Điền có 69 cơ sở giáo dục; trong đó có 23 trường mầm non, 27 trường tiểu học, 15 trường THCS và 4 trường THPT, với 30/69 trường đạt chuẩn.
* Tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Huế), gần 1.300 học sinh và các thầy cô giáo đã bước vào năm học mới. Năm học 2013-2014, toàn trường có 93,9% (1.237/1.317 em) đạt học sinh giỏi, không có học sinh yếu kém. 100% học sinh khối 5 được công nhận hoàn thành chương trình bậc tiểu học. Kỳ thi tuyển vào lớp 6 trường THCS Nguyễn Tri Phương, Thảo Dung học sinh lớp 5/1 đạt thủ khoa với 18,6 điểm. Năm học này, trường đón nhận 251 em vào lớp 1, đưa tổng số học sinh toàn trường lên 1.296 học sinh/ 31 lớp, 100% các em được học 2 buổi/ngày.
* Năm học 2013-2014 là năm Trường Thanh niên Dân tộc - Nội trú tỉnh có thành tích nổi bật về mọi mặt. Tập thể nhà trường được công nhận “Tập thể lao động xuất sắc”. Bước vào năm học mới, thầy và trò nhà trường quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, đầu tư phát hiện và bồi dường học sinh đỉnh cao, xứng đáng với sự mong đợi, kỳ vọng của nhân dân các dân tộc vùng cao Thừa Thiên Huế.
* Ngày 5-9, các trường học trên địa bàn huyện Phú Vang long trọng tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2014 – 2015.
Trong năm học mới, ngành giáo dục và đào tạo huyện Phú Vang đề ra một số chỉ tiêu cơ bản là: 100% xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi; tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày chiếm 67% và THCS chiếm 30%; trường đạt chuẩn quốc gia phấn đấu theo lộ trình tăng từ 5 – 6 trường (cả ba ngành học), đạt tỷ lệ 30%...
* Năm học mới, Phòng Tiểu học, Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế phối hợp với Trung tâm khuyến khích tự lập tổ chức các lớp dạy bơi cho gần 500 học sinh tiểu học thuộc trường tiểu học Phú Mậu 1; Phú Thuận 1; Phú Thuận 2 (huyện Phú Vang); Thanh Toàn và Vân Thê (Hương Thủy). Ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Mỗi khóa học kéo dài gần 15 ngày, tỷ lệ biết bơi đạt gần 100% (bơi trường sấp và bơi ếch) với cự li 25 mét”.
Nhóm PV thời sự

Chào đón thành tích của học sinh Việt Nam tại Olympic Tin học quốc tế
Cập nhật lúc : 20:07 26/05/2015

GD&TĐ - Hôm nay (26/5), tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã chủ trì lễ trao thưởng đoàn cán bộ, HS Việt Nam dự thi Olympic Tin học châu Á – Thái Bình dương năm 2015.

 

Theo báo cáo của Trưởng đoàn, đoàn Việt Nam có 6 thí sinh đi thi Olympic Tin học châu Á Thái Bình Dương năm 2015, cả 6 em đều đoạt giải, xếp thứ 3 toàn đoàn, sau Trung Quốc và Iran.

Đặc biệt, 5/6 em là HS của trường THPT chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đều đoạt giải cao, gồm 3 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc. Cả ba HS đoạt huy chương Vàng của đoàn Việt Nam đều đạt mức điểm tuyệt đối 300/300 điểm. Trong tổng số 598 thí sinh của 27 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, chỉ có 18 thí sinh đạt mức điểm này.

Tại buổi lễ, thay mặt Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chúc mừng, biểu dương thành tích của Đoàn cán bộ, HS Việt Nam tại cuộc thi Olympic châu Á - Thái Bình dương. Trong thành tích đáng tự hào đó có công lao to lớn của các em HS, của thầy cô giáo cũng như các bậc phụ huynh. Đây cũng là thành tích cao nhất trong 3 năm qua mà HS Việt Nam dự thi.

Thứ trưởng hoan nghênh Trường THPT chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm nay có nhiều HS đoạt giải và Trường THPT chuyên ĐHSP Hà Nội năm nay có 1 HS đoạt giải; đồng thời chờ đón thành tích của các em học sinh Việt Nam dự thi Olympic Tin học quốc tế tổ chức trong thời gian tới. 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, hiện nay, trong GD phổ thông, môn Tin học còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm và chưa phải là môn đại trà hay thi vào ĐH của những năm trước nhưng các em HS Việt Nam dự thi quốc tế đều đạt giải cao. Đây là thành tích rất đáng tự hào.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: Tin học sẽ là lực lượng thay đổi diện mạo giáo dục nước nhà; giúp chúng ta thay đổi cách thức, lựa chọn, phương pháp dạy học, cách thức tổ chức kiểm tra đánh giá, cách quản lý GD&ĐT. Chính các em HS đoạt giải hôm nay sẽ là những người góp phần tiếp tục vào sự nghiệp GD&ĐT nói chung và lĩnh vực Tin học nói riêng. Các em cần tìm cách nhân rộng năng lực CNTT trong ngành GD&ĐT.

Nhân thêm niềm vui, tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển vui mừng thông báo đoàn SV Việt Nam dự thi lập trình quốc tế vừa kết thúc đã thành tích tốt hơn các năm trước, đứng thứ 51/108 quốc gia tham dự, rút ngắn được 7 - 8 bậc.

Thay mặt Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tặng Bằng khen và tiền thưởng cho 6 em HS đoạt giải, trong đó: Huy chương Vàng được thưởng 10 triệu, Huy chương Bạc được thưởng 7 triệu và Huy chương Đồng được thưởng 3 triệu.

 

Việt Hoa

13 nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia giờ ra sao?
Cập nhật lúc : 15:29 03/09/2014

Chương trình Đường lên đỉnh Olympia đã ghi danh 13 gương mặt xuất sắc giành vòng nguyệt quế. Hiện tại, họ đều đạt được những thành công nhất định trong cuộc sống. 9h30 ngày 3/8, trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 14 sẽ diễn ra. Trước thềm trận đấu quan trọng này, cùng điểm lại cuộc sống hiện tại của 13 nhà vô địch Olympia từ 2000 đến 2013.

 

Ba cô gái từng vinh dự đội vòng nguyệt quế

Trong suốt 14 năm chương trình Đường lên đỉnh Olympia được tổ chức, chỉ có 3 cô gái từng dành được vòng nguyệt quế chiến thắng. Hiện tại, họ đều đạt được những thành công nhất định cho bản thân mình.

Trần Ngọc Minh tham gia chung kết Đường lên đỉnh Olympia khi là học sinh lớp 12 THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long). Cô cũng là nhà vô địch đầu tiên của cuộc thi này vào năm 2000.

Olympia, vô địch, du học

Trần Ngọc Minh hạnh phúc trong ngày cưới (Ảnh: Trí Thức Trẻ).

Sau chiến thắng, Ngọc Minh lên đường đi du học tại ĐH Swinburne, Australia. Cô gái này đã chứng tỏ được tài năng của mình khi hoàn thành xuất sắc chương trình kỹ sư chuyên ngành viễn thông và công nghệ thông tin và là một trong số ít những người tiếp tục nhận được học bổng toàn phần cho chương trình đào tạo bậc tiến sĩ chuyên ngành mạng thông tin của ĐH Kỹ thuật Swinburne.

Ngoài việc học ở trường, Minh còn là giám đốc tiếp thị cho Open Your Hearts - một tổ chức từ thiện chuyên giúp đỡ trẻ em tàn tật, bất hạnh. Một trong những dự án hiện nay của nhóm là quyên góp giúp đỡ cho trẻ em Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam. Sau khi nhận bằng tiến sĩ, Ngọc Minh cũng làm việc cho một công ty về lĩnh vực viễn thông tại Australia.

Tháng 1/2013, Ngọc Minh vừa làm đám cưới sau khi mọi công việc và học tập đã ổn định.

Mùa thứ 3 của chương trình Đường lên đỉnh Olympia tiếp tục ghi danh một người đồng môn của Ngọc Minh trên đỉnh vinh quang. Đó là cô gái Lương Phương Thảo cũng đến từ THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long.

Olympia, vô địch, du học

Lương Phương Thảo (Ảnh: Tuổi trẻ)

Ngay sau khi đạt được giải thưởng cao nhất của chương trình cô đã quyết định chọn ngành học là kinh doanh quốc tế và marketing ĐH Monash (thành phố Melbourne, Australia). Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành marketing tại ĐH Monash, Melbourne. Năm 2011, Phương Thảo về nước và làm ở một công ty quảng cáo tại TP.HCM. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là nhà vô địch duy nhất của chương trình đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Cô gái thứ 3 từng đạt được vòng nguyệt quế trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia đó là Phạm Thị Ngọc Oanh đến từ THPT Tiên Lãng, Hải Phòng với 230 điểm.

Olympia, vô địch, du học

Phạm Thị Ngọc Oanh (Ảnh: swinburne.edu.vn)

Hiện tại, nhà vô địch năm thứ 11 là cử nhân thương mại (kế toán và tài chính) của ĐH Swinburne. Ngọc Oanh từng chia sẻ chiến thắng chương trình và giành được suất học bổng là bước ngoặt rất lớn trong cuộc đời mình. Sau khi tốt nghiệp, cô mong muốn làm việc ở Melboune (Australia) 2 năm có thể tích lũy kinh nghiệm và xin học bổng học thạc sĩ tại Mỹ.

10 chàng trai quán quân thành đạt

Sau Trần Ngọc Minh, nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 2 làPhan Mạnh Tân (THPT Năng khiếu Hà Tĩnh, Hà Tỉnh). Phan Mạnh Tân cũng sớm trở thành sinh viên của ĐH Swinburne.

Olympia, vô địch, du học

Phan Mạnh Tân và con trai (Ảnh: Trí Thức Trẻ).

Sau 12 năm học tập và làm việc tại Úc, hiện tại, Phan Mạnh Tân đã lập gia đình và ổn định cuộc sống và có hai con. Vợ anh cũng là du học sinh, từng hoạt động chung hội sinh viên Việt Nam ở trường. Nhà vô địch Olympia thửa nào cũng đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ và đã đi làm ở công ty IBM, Melbourne, Australia.

Còn Võ Văn Dũng vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 4 với 120 điểm khi là học sinh THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng đã tốt nghiệp đại học Kỹ thuật Swinburne và đang làm việc trong lĩnh vực kế toán tại thành phố Melbourne (Australia).

Với 220 điểm Đỗ Lâm Hoàng (THPT Gò Vấp, TP.HCM) đã xuất sắc giành được vòng nguyệt quế năm thứ 5. Cũng như các nhà vô địch khác, Lâm Hoàng theo học tại ĐH Swinburne chuyên ngành ngành kỹ sư công nghệ viễn thông và Internet . Sau khi tốt nghiệp anh cũng chọn Melbourne để làm việc.

Năm thứ 6, đại diện của THPT Số 1 Bố Trạch, Quảng Bình, Lê Vũ Hoàngđã chiến thắng trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia với 170 điểm. Chàng trai này là một trong những nhà vô địch để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả.

Olympia, vô địch, du học

Lê Vũ Hoàng (Ảnh: swinburne.edu.vn).

Tham dự cuộc thi khi mẹ liên tục ốm, nhà lại nghèo không có tiền chạy chữa, nhưng Lê Vũ Hoàng vẫn lần lượt chinh phục các vòng thi và đem về vinh quang cho gia đình. Đặt chân đến ĐH Swinburne, Australia, sau khi tốt nghiệp Lê Vũ Hoàng tiếp tục học tiến sĩ tại đây.

Sau 7 năm, đến hiện tại, chàng trai đến từ Quảng Bình đã lập gia đình vào tháng 2/2013. Cả hai vợ chồng Vũ Hoàng đều đang sống và làm việc tại Australia.

Năm thứ 7, Đường lên đỉnh Olympia đã trao vòng nguyệt quế cho Lê Viết Hà (học sinh THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi). Sau khi giành suất học bổng trị giá 35000 USD, Hà theo đuổi hai chuyên ngành cử nhân cơ Khí (Robot và cơ điện tử) và cử nhân khoa kọc (Khoa học máy tính và kỹ thuật phần mềm) cũng cùng trường đại học của các nhà vô địch trước.

Huỳnh Anh Vũ là một trong những nhà vô địch Olympia có điểm số rất cao trong trận chung kết (325 điểm). Cậu học sinh THPT Tăng Bạt Hổ, Bình Định thửa nào nay đã trở thành giảng viên ngành kinh tế tại ĐH Swinburne.

Olympia, vô địch, du học

Huỳnh Anh Vũ (Ảnh: swinburne.edu.vn)

Năm 2008, Huỳnh Anh Vũ giành vòng nguyệt quế chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 8, được học bổng vào học tại ĐH Swinburne, Úc. Tháng 6/2012, Vũ tốt nghiệp loại giỏi. Tháng 8/2012, Vũ là 1 trong 2 sinh viên hiếm hoi được giữ lại trường và chính thức tham gia giảng dạy 2 môn kinh tế vĩ mô và kế toán doanh nghiệp.

Hồ Ngọc Hân (THPT Quốc học Huế) đội vòng nguyệt quế Olympia cùng lúc với tin vui trở thành thủ khoa khối B của ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2009.

Sau khi dành chiến thắng và nhận được suất học bổng tại ĐH Swinbune, Hân rất hạnh phúc vì ước mơ du học từ thửa bé đã thành hiện thực. Sau khi kết thúc khóa học muốn tiếp tục học tiến sĩ để theo đuổi giấc mơ nghiên cứu khoa học.

Olympia, vô địch, du học

Hồ Ngọc Hân (Ảnh cắt từ clip do ĐH Swinburne thực hiện trước khi diễn ra chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 13).

Chiến thắng Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 10 là Phan Minh Đức, học sinh THPT chuyên Hà Nội Amsterdam với 295 điểm. Sau khi kết thúc cuộc thi, Đức chọn chuyên ngành kinh doanh (Hệ thống thông tin), ĐH Kỹ thuật Swinburne để theo học.

Sau khi tốt nghiệp, chàng trai này dự định xin học bổng để tiếp tục học lên cao hơn hoặc đi làm để lấy kinh nghiệm trước khi về Việt Nam.

Olympia, vô địch, du học

Phạm Minh Đức (Ảnh: Vietnamnet)

Quán quân năm thứ 12 của Đường lên đỉnh Olympia Đặng Thái Hoàng(THPT Hòn Gai, Quảng Ninh) từng gây xôn xao dư luận khi cả 4 vòng thi tuần, tháng, quý, năm đều trả lời được ô chữ chỉ sau 2 gợi ý, nay đã trở thành sinh viên ngành xây dựng tại ĐH Swinburne.

Sau khi có tấm bằng kỹ sư dân dụng theo chương trình học bổng 4 năm, Thái Hoàng dự kiến sẽ học thêm để có bằng tiến sĩ kiến trúc.

Olympia, vô địch, du học

Đặng Thái Hoàng (Ảnh: baoquangninh.com.vn)

Chàng trai gần đây nhất được vinh dự đội vòng nguyệt quế là Hoàng Thế Anh, học sinh THPT chuyên Bắc Giang.

Sau một năm từ khi đăng quang cuộc sống của Hoàng Thế Anh có nhiều thay đổi. Chàng trai này tâm sự: "Thay vì học đại học, một năm qua em cũng đã cố gắng ôn luyện tiếng Anh để có thể sớm thực hiện ước mơ du học. Những điều này đều khác so với dự tính của em ngày nhỏ".

Olympia, vô địch, du học

Hoàng Thế Anh (Ảnh: zing.vn)

Tuy đỗ ĐH Bách khoa nhưng Thế Anh không nhập trường mà dành toàn bộ thời gian cho việc học tiếng Anh từ trung tâm giáo dục và đào tạo Úc ACET. Từng tự nhận bản thân mình học kém nhất môn tiếng Anh, nhà vô địch Olympia tâm sự:

“Mặc dù chỉ đạt được điểm thi IELTS 6.5 nhưng em tự cảm thấy đó như là một sự vượt bậc của bản thân, vì chỉ một năm trước thôi em vẫn còn là người gần như không dám và không bao giờ giao tiếp bằng tiếng Anh”. Ngày 24/7, nhà vô địch năm thứ 13 cuộc thi đã lên đường sang du học tại Úc, gia nhập cộng đồng Olympia tại ĐH Swinburne.

(Theo Zing)

12 nhà vô địch Olympia không trở về: Câu hỏi đã có lời đáp

Trong 13 nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia thì chỉ có 1 người trở về Việt Nam lập nghiệp. Cá nhân tôi không bất ngờ, chỉ thấy thú vị và háo hức nếu ai đó viết về người duy nhất quay về cố hương.

Chẳng phải chờ lâu đâu, trong bối cảnh báo chí thèm tin như hôm nay thì chỉ mai kia, thể nào anh em đồng nghiệp cũng “săn” được nhân vật đặc biệt này. Còn 12 người đang làm việc tại Úc hoặc một nước nào đó thì chắc hơi khó, mà có tìm được cũng dễ gì tiếp xúc.

Olympia, quán quân, vô địch, định cư nước ngoài, không về Việt Nam, câu hỏi, lời giải đáp
Hầu hết các quán quân cuộc thi Olympia đều không quay về Việt Nam làm việc. 

Họ sẽ ngại trò chuyện với nhà báo. Ngộ nhỡ nhà báo trưng ra cái clip cách đây vài năm, trên truyền hình hùng hồn tuyên bố: Nào là đến cuộc thi này để học hỏi, giao lưu là chính; nào là sẽ đem kiến thức về xây dựng quê hương đất nước…

Chọc vui vậy để các em tỉnh táo, tránh rập khuôn, sáo rỗng khi phải nói trong các cuộc thi (nhất là trên TV) thôi. Với tôi, 12 em đang học tập làm việc ở nước ngoài là một cơ hội tốt cho cá nhân các em và cho cả đất nước.

Khoa học đâu có biên giới. Thành tựu khoa học là phục vụ chung nhân loại cơ mà. Hà cớ gì cứ nhất nhất đòi hỏi các em phải về nước sau khi hoàn thành việc học? Chúng ta đã chấp nhận thế giới này là thế giới phẳng, toàn cầu hóa là xu thế tất yếu, thế hệ 8x, 9x giờ phải là công dân toàn cầu… vậy chẳng nên bó buộc ở phạm vi lãnh thổ trong việc lao động, học tập và nghiên cứu. Ở đâu người ta phát huy tốt nhất khả năng bản thân thì không nên cản trở.

Trong một quốc gia cũng thế thôi. Ở đâu trên thế giới cũng đều chấp nhận quyền tự do cư trú của công dân trong hiến pháp. Họ ở Bắc hay Nam là quyền của họ. Hà Nội là thủ đô nhưng không nhất thiết chỉ có người Tràng An thanh lịch. Người Nghệ An, Thanh Hóa, Sài Gòn vẫn thoải mái sống và làm việc. Một nền kinh tế thị trường, một thế giới chấp nhận sự cạnh tranh để làm động lực cho sự phát triển thì cần thiết có một tư duy mở, thoáng đãng, tránh cục bộ, đố kị hẹp hòi.  Nước Mỹ hùng cường một phần vì biết phát triển chính sách đa sắc tộc, đa văn hóa. Người giỏi luôn có cơ hội, có vị trí xứng đáng, bất kể màu da và xuất thân ra sao.

Liệu có một Đặng Thái Sơn không, nếu như anh không được học tập tại Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky ở Moskva, dưới sự hướng dẫn của những người thầy tài năng như Vladimir Natanson và Dmitry Alexandrovitch Bashkirov?

Liệu có một Ngô Bảo Châu không, nếu như anh không được đào tạo và nghiên cứu ở những trung tâm toán học hàng đầu thế giới?

Chẳng nói đâu xa, cứ kiểm kê lại chính sách trải thảm đỏ nhận thủ khoa sẽ rõ. Cũng là trọng dụng nhân tài về với địa phương đấy nhưng có cái gì đó hình thức, kiểu thùng rỗng kêu to, hời hợt và thiếu bền vững. Kết quả ra sao đến giờ này mọi người đều biết.

Cách đây khoảng trên chục năm, tôi nhớ không chính xác lắm, hình như tại Đồng Mô - Hà Nội, diễn ra một hội thảo khá lớn, quy tụ nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp (phần đông là Việt Kiều) để trả lời mỗi câu hỏi: Vì sao sau làn gió mát lành của ĐỔI MỚI, họ quay lại cố hương hăm hở, hào hứng bao nhiêu, thì khi ra đi, lại âm thầm và xót xa bấy nhiêu. Vì sao họ chán nản và rút dần khỏi Việt Nam? Câu trả lời rất đơn giản: Môi trường làm việc, nghiên cứu không có, trong khi lại đầy rẫy những thủ tục “rất Việt Nam”.

Chỉ lấy vài ví dụ gần đây ai cũng biết: Tàu ngầm Trường Sa, Yết Kiêu loay hoay, “lên bờ xuống ruộng” với biết bao thủ tục; tàu bay VAM 2 đắp chiếu nằm kho sống chung với nhện và bóng tối thay vì chao liệng trên bầu trời cùng  nắng, gió và mây.

Vậy nên, thay vì trách cứ các em, mà cũng chẳng ai trách đâu, rằng sao không phụng sự tổ quốc, thì hãy hỏi làm cách nào để gỡ bỏ mọi rào cản, tạo mọi điều kiện để tài năng trở về nước. Và cũng chẳng nên bận tâm lắm với cuộc thi của truyền hình. Họ tạo ra sân chơi để phát hiện tài năng như thế cũng là quý lắm rồi.

Theo Ngô Thiệu Phong/VOV.VN

BẢNG XẾP GIẢI TOÀN ĐOÀN HỌC SINH GIỎI CẤP THCS NĂM HỌC 2013-2014
Cập nhật lúc : 04:38 23/05/2014

Tải file
Học sinh Vũ Duy Hiếu đoạt giải nhất hạng Cao cấp - cá nhân sáng tạo game tốt nhất

Học sinh Việt Nam đoạt giải nhất cuộc thi lập trình quốc tế 2015
Cập nhật lúc : 05:29 07/12/2015

(Dân trí)_ Cuộc thi Lập trình quốc tế dành cho học sinh phổ thông WeCode 2015 (Digital Campus WeCode) diễn ra ngày 6/12/2015 tại Kuala Lumpur, Malaysia với chủ đề “An ninh Mạng” (Cyber Sercurity). Học sinh Việt Nam đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi hạng Cao cấp.

 

 

 

 

 

Sau một ngày thi đấu, đoàn học sinh Việt Nam đã xuất sắc giành 3 giải thưởng trong đó:  1 giải Thiết kế game sáng tạo nhất - giải Nhất hạng mục Cao cấp thuộc về bạn Vũ Duy Hiếu - lớp 8 trường THCS FPT.

 

2 giải Đồng đội cho hạng Sơ cấp và Trung Cấp lần lượt thuộc về trường TH Vinschool (Nguyễn Hà My, Phạm Phương Linh) và trường THCS FPT (Nguyễn Quang Đăng, Lê Gia Bảo).

 

Xúc động khi được sướng tên giải nhất cuộc thi, học sinh Vũ Duy Hiếu tâm sự: "Ban đầu em rất thất vọng vì ban tổ chức đọc gần hết giải mà không có tên mình. Sau khi được đọc tên ở giải Nhất, cảm xúc của em như vỡ òa ra vì không ngờ mình đoạt giải cao như vậy. Sau khi nhận giải xong em nhờ thày Phong (thày dẫn đoàn) gọi ngay cho bố mẹ ở Việt Nam để thông báo".

 

Mặc dù lần đầu tiên tham dự nhưng với sự tự tin và nỗ lực, học sinh Việt Nam đã chứng tỏ khả năng sáng tạo của mình trên đấu trường Quốc tế.

 

Được biết, tham dự cuộc thi Wecode năm nay có 136 đội đến từ 4 nước Đông Nam Á, trong đó, Việt Nam có 14 học sinh chia thành 8 đội (2 cá nhân, 6 đội 2 người) đến từ trường Tiểu học Vinschool và trường THCS FPT. .

 

Cuộc thi Digital Campus WeCode nằm trong chuỗi sự kiện Hội trại công nghệ số (Digital Campus) do Hiệp hội Y.O.U (Youth On Unity) tổ chức.

 

Đây là cuộc thi lập trình quốc tế giữa các nhóm hoặc cá nhân học sinh đại diện cho các trường Tiểu học, THCS tại các nước trong khu vực Đông Nam Á. Cuộc thi nhằm thúc đẩy niềm đam mê lập trình của học sinh, giúp các em nâng cao khả năng lập trình, gây dựng niềm đam mê với môn lập trình, trau dồi khả năng tư duy mức cao, kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và phát triển được kỹ năng tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).

 

 

Đoàn học sinh Việt Nam trước khi thi đấu

 

DC Wecode 2015 lựa chọn những học sinh xuất sắc nhất đến từ 4 quốc gia Đông Nam Á bao gồm: Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Phillippines. Thí sinh tham gia cuộc thi sẽ thực hiện các sản phẩm phần mềm từ ngôn ngữ lập trình Scratch và các ngôn ngữ lập trình bất kỳ để thiết kế trò chơi games, chương trình giải trí hoặc phim hoạt hình.

 

Có 4 cấp độ để học sinh lựa chọn, bao gồm: Sơ cấp: 6-9 tuổi, Trung cấp: 10-12 tuổi, Cao cấp: 13-15 tuổi, Chuyên gia: 16-18 tuổi.

 

Thí sinh cần thiết kế các sản phẩm lập trình chương trình ngắn nhất 25 giây và có kích thước lớn nhất là 25 MB theo đúng chủ đề “An ninh mạng” (cyber sercurirty) và cần thiết kế theo các nội dung: Âm nhạc và nhảy múa (Music and Dance), Trò chơi (Games), Kể chuyện (Stories) dành cho học sinh tiểu học, sử dụng ngôn ngữ lập trình Scratch ; Trò chơi (Games); Học sinh THCS, THPT và cấp độ tự do sẽ sử dụng ngôn ngữ lập trình bất kỳ cho thiết bị di động để lập trình một trò chơi mang tính giáo dục chạy trên thiết bị di động.

 

 

Các thí sinh Việt Nam nhận giải đồng đội

 

Đoàn học sinh Việt Nam sẽ về đến Việt Nam vào thứ 3 (8/12/2015).

 

Hồng Hạnh

Minh Quang và Vân Anh trong phòng thí nghiệm thực hiện đề tài nghiên cứu

Việt Nam xuất sắc giành giải Tư cuộc thi Intel ISEF 2015
Cập nhật lúc : 18:54 18/05/2015

(Dân trí)_ Thông tin từ website của cuộc thi Intel ISEF, với 4 dự án tham dự hội thi Intel ISEF năm 2015, đoàn Việt Nam đã có dự án xuất sắc giành được giải Tư ở lĩnh vực Vi sinh. Dự án đạt giải do hai học sinh Trường THPT Chuyên KHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội) thực hiện.

>>  Nghiên cứu khoa học của nữ sinh Hà Nội sẽ tới Mỹ thi đấu

 

Dự án đạt giải Tư intel ISEF là đề tài “Tuyển chọn chủng vi khuẩn Bacillus từ ruột tôm để tạo chế phẩm probiotic giúp nâng cao chất lượng và sản lượng tôm" của học sinh Nguyễn Minh Quang và Trần Vân Anh đến từ Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN). Đây cũng là đề tài giành được thứ hạng nhất chung cuộc ở kì thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia khu vực phía Bắc năm 2015 vừa qua.

Kết quả intel ISEF đã được công bố chính thức trên website của Hội thi
Kết quả intel ISEF đã được công bố chính thức trên website của Hội thi.

 

 

 

Hai học sinh đến từ trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) đã xuất 
Hai học sinh đến từ trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) đã xuất sắc giành giải tư lĩnh vực Vi sinh.

 

Năm 2015, đoàn Việt Nam đã mang 4 dự án tham dự hội thi Intel ISEF. Các dự án này đến từ học sinh của các trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN-ĐHQGHN); THPT Chuyên ĐH Sư phạm; THPT Chuyên Lam Sơn - Thanh Hóa và THPT Chuyên Thăng Long - Lâm Đồng. Hội thi intel ISEF năm 2015 được tổ chức tại Pittsburgh (Hoa Kỳ) từ ngày 9 - 15/5/2015, thu hút 1.700 học sinh trung học đến từ 75 quốc gia tham gia.

 

Kết quả trên trang Intel ISEF cũng cho thấy, giải thưởng cao nhất trị giá 75.000 USD đã thuộc về Raymond Wang - học sinh 17 tuổi đến từ Canada. Hai giải thưởng nhà khoa học trẻ trị giá 50.000 USD được trao cho học sinh 16 tuổi khác của Canada, Nicole Sabina Ticea và Karan Jerath, 18 tuổi đến từ bang Texas của Mỹ. 

 

3 gương mặt giành giải thưởng cao nhất của Hội thi Intel ISEF 2015 
3 gương mặt giành giải thưởng cao nhất của Hội thi Intel ISEF 2015. 

 

(Nguồn trang tin Intel ISEF)

 

 

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Bộ GD-Đ T cho biết ngoài giải Tư ở lĩnh vực Vi sinh, đoàn Việt Nam còn được trao giải đặc biệt của Hội Tâm lý Hoa Kỳ dành cho dự án của học sinh Trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa).

 

Năm 2014, đoàn Việt Nam cũng đưa 6 dự án dự hội thi Intel ISEF và đã giành được hai giải Tư. Đặc biệt có một dự án được trao giải Nhì thuộc nhóm giải đặc biệt do tổ chức Open Hearts của Ucraina trao tặng.

 

Trước đó, Bộ GD-ĐT đã gửi các Sở GD-ĐT, các đại học, học viện danh sách học sinh lớp 12 năm học 2014 - 2015 có dự án dự thi Hội thi khoa học kĩ thuật quốc tế - Intel ISEF 2015. Danh sách này gồm 7 học sinh:

 

3 gương mặt giành giải thưởng cao nhất của Hội thi Intel ISEF 2015 

 

Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT, các nhà trường căn cứ quy định tai quy chế thi THPT quốc gia để thực hiện việc miễn thi các môn thi kỳ thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng năm 2015 đối với các học sinh có tên trong danh sách trên.

 

Nguyễn Hùng
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Thư Chủ tịch nước gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới
Cập nhật lúc : 16:13 29/08/2014

Sáng nay (29.8), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi thư chúc mừng đến các thầy cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên cả nước nhân dịp khai giảng năm học 2014-2015

Đỗ Nhật Nam đã chinh phục giải Nhất hùng biện ở Mỹ như thế nào?
Cập nhật lúc : 09:24 13/05/2015

(Dân trí)_ Chị Phan Hồ Điệp - mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam đã chia sẻ với PV Dân trí những thông tin liên quan đến cuộc thi và giải thưởng lớn của con trai, đặc biệt là nội dung của phần thi hùng biện.

 

Chị Hồ Điệp cho biết, để có mặt tại cuộc thi hùng biện cấp toàn thành phố Dallas dành cho học sinh, Đỗ Nhật Nam cùng các học sinh đều phải trải qua vòng tuyển chọn ở trường. Sau vòng “sát hạch” ở trường, cậu bé “thần đồng” được trường St. Paul The Apostle cử làm đại diện thi đấu.

 

 

 

Trước thềm cuộc thi thuyết trình của liên hiệp các trường phổ thông toàn thành phố Dallas, bang Texas (Mỹ) diễn ra, Nhật Nam cùng các thí sinh khác cũng được thử sức, có cơ hội luyện tập trong các vòng thi được tổ chức liên tục, gần như mỗi tháng một lần. Mỗi vòng này đều có giám khảo theo dõi và đưa ra kết quả điểm và nhận xét công tâm.

 

 

 

Bước vào cuộc thi chính thức, để đi đến vinh quang, các thí sinh sẽ phải vượt qua 4 “chướng ngại vật” là vòng loại, vòng tứ kết, vòng bán kết và vòng chung kết. Ở các vòng đều có những giám khảo khác nhau để đảm bảo độ khách quan của cuộc thi.

 

 

 

Để giành chiến thắng, Nhật Nam phải trải qua nhiều vòng thi khó khăn.
Để giành chiến thắng, Nhật Nam phải trải qua nhiều vòng thi khó khăn.

 

 

 

Bên cạnh đó, chị Phan Hồ Điệp cũng chia sẻ về nội dung Nhật Nam thể hiện trong bài hùng biện: “Chủ đề của cuộc thi năm nay là Ước mơ trẻ thơ. Phần trình bày của Nam xuất phát từ một dự án mà em đã tham gia đó là bảo vệ nụ cười cho trẻ em Việt Nam.

 

 

 

Trong phần hùng biện của mình, Nam trình bày về ước mơ thời thơ bé của mình, khi ấy, Nam mong được thành một siêu anh hùng có khả năng giải cứu thế giới. Sau này lớn lên, ước mơ thơ bé không còn nhưng những mong ước để đem lại niềm hạnh phúc cho mọi người xung quanh vẫn luôn ấp ủ”.

 

 

 

Không dừng lại ở đó, Nhật Nam còn nói về việc nuôi dưỡng những ước mơ thủa thơ bé để nó luôn sống động trong mình và đem lại động lực trong bước đường trưởng thành.

 

 

 

Để giành chiến thắng, Nhật Nam phải trải qua nhiều vòng thi khó khăn.
Và với số điểm tuyệt đối ở vòng quyết định, Nhật Nam đã có được chiếc Cúp hùng biện toàn thành phố dành cho học sinh.

 

 

 

Sau phần thi hùng biện, giám khảo cũng đưa ra thêm các câu hỏi cho thí sinh. Điều bất ngờ là cả 8 giám khảo trong cuộc thi đều cho Nhật Nam số điểm tuyệt đối. Và cậu bé chính thức giành Cúp chiến thắng đầy thuyết phục.

 

 

Hoài Thư